Đến trường tiểu học là chặng đường hiển
nhiên của trẻ sau khi kết thúc bậc mầm non. Thế nhưng hiện khá nhiều phụ
huynh và một số người có chuyên môn lại quan niệm điều này hết sức bất
thường.
Phụ huynh nên chuẩn bị tâm lý cần thiết để trẻ thích ứng khi vào lớp 1 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hơn 90% phụ huynh quan niệm sai lầm
Anh Bùi Hậu - nhân viên của một công ty truyền thông tại TP.HCM, kiên
quyết cho con mình học chữ từ lớp chồi. Còn chị Hằng (Q.Bình Thạnh) mời
một sinh viên sư phạm tiểu học đều đặn mỗi tối dạy con học 3 tiếng. Mỗi
buổi chiều chị chở con đến nhà một cô giáo luyện viết chữ đẹp để rèn
chữ, chưa kể mỗi buổi sáng chị đều dành 2 tiếng cho con làm bài tập thêm
của chương trình lớp 1. Nhìn cậu bé 6 tuổi học mà cứ ngỡ như đang chuẩn
bị thi đại học. Bạn bè khuyên răn, chị bảo đó là chuẩn bị để trẻ không
ngỡ ngàng vào lớp 1, không bị thua kém bạn bè…
Quan niệm khá phổ biến đang tồn tại ở nhiều phụ huynh là trẻ vào trường
tiểu học phải biết đọc, biết viết, biết làm các phép tính. Kết quả khảo
sát của chúng tôi trên 182 phụ huynh về điều này đã đem đến một con số:
91% phụ huynh hoàn toàn đồng ý cho trẻ học trước, 6% phụ huynh lưỡng lự
và chỉ có vỏn vẹn 3% phụ huynh không đồng ý. Vì vậy ngày nay phần lớn
trẻ chưa vào lớp 1 thay vì được vui chơi, hoạt động đã phải ngồi vào bàn
học một cách nghiêm túc. Có cháu khi vào học lớp 1 đã học xong một phần
hay toàn bộ chương trình lớp 1.
Thật ra việc làm đó không phù hợp với quy luật phát triển của trẻ dưới 6
tuổi. Nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã chứng minh
rằng trẻ dưới 6 tuổi nói chung chưa đủ khả năng để học chữ, học tính
theo đúng ý nghĩa của môn học (tất nhiên không loại trừ một số trường
hợp đặc biệt). Hơn nữa, cho dù có học chữ, học tính sớm theo một chương
trình chặt chẽ thì cũng không mang lại lợi ích gì lắm cho sự phát triển
trí tuệ, thậm chí nhiều khi còn có hại cho sự phát triển nhân cách nói
chung.
Chuẩn bị tâm lý cho trẻ thích ứng
Ở tuổi mẫu giáo, nếu trẻ được chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện về
thể chất, tâm lý, xã hội thì việc trẻ vào lớp 1 là điều tự nhiên, không
cần phải băn khoăn, lo lắng.
Trường mầm non ở khía cạnh nào đó sẽ chuẩn bị cho trẻ về mặt nhận thức,
trí tuệ, kỹ năng học tập, giao tiếp xã hội, động cơ và hứng thú học tập…
Điều phụ huynh cần nhận thức trước tiên trong vấn đề chuẩn bị cho trẻ
vào lớp 1 là học cách hòa nhập với môi trường mới, hoạt động mới. Trong
thời gian đầu mới đến lớp 1, trẻ có thể gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng
đến việc thích nghi, thích ứng trường học.
Đối với trẻ 5 tuổi, hoạt động vui chơi đang giữ vai trò chủ đạo. Chơi là
một hoạt động có tính chất thoải mái, không bắt buộc. Trong khi chơi,
trẻ hoàn toàn được tự do, tùy theo tình huống mà có thể chơi trò này hay
trò khác, thích thì chơi, không thích thì thôi, chứ không thể bắt ép
được. Vào lớp 1, trẻ phải làm nhiệm vụ của một học sinh. Hoạt động chủ
yếu là học tập, lại mang tính chất bắt buộc, có tổ chức chặt chẽ, mục
đích, kế hoạch.
Lúc bấy giờ trẻ cũng đồng thời phải đối mặt với hàng loạt những thói
quen sinh hoạt mới. Ngoài những quy định về nền nếp ở lớp, trẻ còn phải
học bài… Trước đây ở trường mầm non “cô là mẹ và các cháu là con”, trẻ
được sống trong không khí gia đình, thì giờ đây trẻ sống trong một khung
cảnh của trường học, mối quan hệ giữa cô giáo, thầy giáo với trẻ em là
mối quan hệ giữa người dạy và người học.
Nếu không chuẩn bị cho trẻ thích ứng, không chỉ việc học tập không đạt
kết quả mà cuộc sống của trẻ sẽ trở nên nặng nề, trong nhiều trường hợp
trẻ bị rơi vào tình trạng khủng hoảng, gây nên nhiều bất lợi trong những
chặng đường phát triển tiếp theo.
(Nguồn: Thanh Niên)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét